Trang

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Những lời khuyên dành cho giới trẻ của các tỷ phú

Họ đều là những nhà lãnh đạo có tầm nhìn, những người đã xây dựng nên những đế chế khổng lồ từ hai bàn tay trắng, và đang nằm trong nhóm những người giàu có nhất hành tinh. Dưới đây là một số lời khuyên quý giá mà họ dành cho các bạn trẻ.

 

1. Huyền thoại Steve Jobs - Cựu CEO Apple: Hãy sống như không có ngày mai



Khi 17 tuổi, tôi đọc ở đâu đó một câu nói rằng: "Hãy sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng, một ngày nào đó bạn sẽ thấy đúng". Điều đó gây ấn tượng mạnh với tôi và trong 33 năm qua, tôi nhìn vào gương mỗi sáng và tự hỏi: "Nếu hôm nay là ngày cuối của cuộc đời mình, mình có muốn làm những gì định làm hôm nay không?".
Nếu câu trả lời là: “Không” kéo dài trong nhiều ngày, đó là lúc tôi biết mình cần thay đổi.


(Trích diễn văn của Steve Jobs tại lễ tốt nghiệp Đại học Stanford năm 2005)

2. Bill Gates - Nhà sáng lập Microsoft: Hãy cho đi nhiều hơn nhận lại



Mẹ tôi, người đã rất tự hào khi tôi được nhập học ở đây - không ngừng khuyên tôi rằng hãy làm nhiều điều tốt cho người khác. Một vài ngày trước lễ cưới của tôi, bà đã tiếp đón cô dâu Melinda và đã đọc to một lá thư về hôn nhân mà bà đã viết cho cô ấy.

Mẹ tôi bị bệnh ung thư rất nặng nhưng bà đã có cơ hội để truyền đạt thông điệp của mình, và lúc kết thúc bức thư bà nói: “Hãy cho đi nhiều hơn nhận lại".

(Trích bài phát biểu của Bill Gates tại lễ tốt nghiệp Đại học Harvard năm 2007)



3. Oprah Winfrey - trùm truyền thông Mỹ: Chúng ta đều cần thay đổi theo thời gian




Rất nhiều người yêu thích sự thay đổi, đặc biệt là vẻ bề ngoài, vì nó có thể mang lại kết quả ấn tượng. Nhưng tôi thay đổi với mong muốn chuyển hóa con người từ bên trong hơn là vẻ bề ngoài. Tôi muốn thay đổi cách mọi người cảm nhận về chính bản thân họ.

Tình cờ, chúng ta có thể gặp một người đàn ông đi bộ trên phố với một bộ râu rất dài và có vẻ như con người anh ta được giấu đằng sau bộ râu đó. Và sau khi giúp anh ta cạo bỏ lớp râu ria xồm xoàm và anh ta thực sự có thể nhìn thấy mình, anh ấy nói: "Tôi cảm thấy sống lại". Thay đổi vẻ bề ngoài đã giúp anh ta nhìn lại chính mình.

Đó là lý do tất cả chúng ta đều cần thay đổi theo thời gian trong cuộc đời mình. Đổi với các bạn, những sinh viên tốt nghiệp, tôi chắc chắn rằng nếu bạn có thể thấy khả năng thay đổi cuộc sống của bạn, nhìn thấy bạn của tương lai thay vì hiện tại bé nhỏ, bạn sẽ có được thành công lớn.
(Trích bài phát biểu của Oprah Winfrey tại lễ tốt nghiệp Đại học Duke năm 2009)


4. Michael Dell - Nhà sáng lập hãng máy tính Dell: Đừng bao giờ tỏ ra mình là người thông minh nhất


Cố gắng đừng bao giờ tỏ ra là người thông minh nhất trong phòng. Và cho dù bạn là người thông minh nhất đi chăng nữa thì tôi cũng khuyên bạn nên tìm kiếm người thông minh hơn, hoặc chuyển sang một phòng khác.

Trong giới chuyên môn, việc này được gọi là xây dựng mạng lưới làm việc. Trong các tổ chức, đó là xây dựng đội ngũ. Và trong cuộc sống, nó chính là tạo dựng các mối quan hệ trong gia đình, bạn bè, và cộng đồng.

Chúng ta đều là những món quà dành cho nhau, và trong suốt quá trình phấn đấu trở thành một nhà lãnh đạo, tôi đã hiểu ra một điều quan trọng rằng những kinh nghiệm quý báu nhất đều xuất phát từ các mối quan hệ của tôi.

(Trích bài phát biểu của ông Michael Dell tại lễ tốt nghiệp Đại học Texas năm 2003)


5. Michael Bloomberg - Thị trưởng thành phố New York: Đừng giậm chân tại chỗ quá lâu




Tôi bắt đầu công việc đầu tiên khi ra trường trên phố Wall và tôi đã làm việc ở đó trong suốt 15 năm. Đó thực sự là khoảng thời gian tuyệt vời với nhiều điều thú vị và vô số lời khen ngợi từ ông chủ của tôi.

Mọi người đều yêu mến tôi, nhưng rồi một ngày họ đã đuổi tôi ra đường. Tôi vẫn học cách lạc quan bởi hạnh phúc chỉ đến với ai biết bước tiếp và cố gắng. Chính xác là ngày hôm sau, sau khi tôi mất việc, tôi đã bắt đầu làm việc với một công ty mới.

(Trích bài phát biểu của ông Michael Bloomberg tại lễ tốt nghiệp Đại học Tufts năm 2007)


6. JK Rowling - Tác giả Harry Porter: Thất bại là mẹ thành công

 

Vì sao tôi lại muốn chia sẻ với các bạn về những lợi ích của thất bại? Đơn giản là vì thất bại có nghĩa là bỏ đi những cái không cần thiết.
Tôi tự nhủ với mình rằng tôi phải là chính tôi hơn là bất cứ ai khác và tập trung tất cả năng lượng chỉ để làm những việc quan trọng. Nếu thành đạt ở bất kỳ một lĩnh vực nào khác, có lẽ tôi đã không thể tìm thấy sự quyết tâm để thành công trong lĩnh vực mà tôi tin rằng thực sự thuộc về mình.
Tôi đã được tự do theo đuổi ước mơ vì nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi đã không còn nữa. Tôi vẫn có được một cuộc sống hạnh phúc với một cô con gái đáng yêu, một chiếc máy đánh chữ cũ và một kho ý tưởng viết truyện. Và như vậy, những thất bại cay đắng đã trở thành nền tảng vững chắc giúp tôi xây dựng lại cuộc sống của mình.

(Trích bài phát biểu của bà JK Rowling tại lễ tốt nghiệp Đại học Harvard năm 2008)


7. Jeff Bezos- CEO Amazon.com: Năng khiếu là bẩm sinh, lựa chọn như thế nào mới khó khăn
Tôi mạo muội dự đoán rằng khi bạn trở thành cụ già 80 tuổi, trong những phút giây tự vấn lặng lẽ, hồi tưởng về cuộc đời đã qua, bạn sẽ nhìn lại một loạt những lựa chọn của mình.
Rốt cuộc, con người mà bạn trở thành chính là những gì bạn đã lựa chọn. Bạn hãy tự tạo nên câu chuyện kỳ thú cho cuộc đời mình.

(Trích bài phát biểu của Jeff Bezos tại lễ khai giảng Đại học Princeton năm 2010)

8. Mark Zuckerberg- CEO Facebook: Làm những gì mình yêu thích


Khi bạn về nhà ăn tối và chờ đón bạn là những món ăn kinh khủng nhất thì bạn vẫn có thể ăn được nếu muốn. Kể cả khi bạn chơi một trò chơi, cho dù rất khó thì bạn cũng có thể thành công nếu yêu thích nó. Thực tế là nếu làm những gì mà bạn mong muốn, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn và có nhiều động cơ thực hiện hơn.

(Trích bài phát biểu của Mark Zuckerberg tại trường Belle Haven ở thành phố Menlo Park, CA, 2011)


9. Steve Ballmer - CEO Microsoft: Hãy kiên trì thực hiện đến cùng


Đam mê là khả năng truyền cảm hứng cho một điều gì, còn nỗ lực và kiên trì là khả năng để tiếp tục thực hiện điều đó.

Nếu nhìn qua các công ty mà tôi khởi nghiệp kinh doanh thì bạn sẽ thấy là hầu hết đều thất bại. Ngay cả với các công ty đã gặt hái nhiều thành công như Microsoft, Apple, Google hay Facebook thì bạn cũng cần phải biết rằng tất cả các công ty này đều đã trải qua những thời kỳ sóng gió.
Có thể bạn có được những thành công nhất định, nhưng chẳng may sự nghiệp của bạn lại tan thành may khói. Bạn áp dụng một công thức cho ý tưởng mới, bạn coi đây là một sự cách tân nhưng nó lại không hoạt động. Và đó là lúc chứng tỏ tính ngoan cường, không ngừng lạc quan và kiên trì của bạn, những tính cách sẽ quyết định sự thành công của bạn trong tương lai.

(Trích phát biểu của Steve Ballmer tại Đại học Nam California năm 2011)

10. Larry Page - Đồng sáng lập Google: Hãy nắm lấy những ước mơ


Tôi nghĩ rằng mọi người sẽ dễ thành công hơn khi có những ước mơ đầy tham vọng. Có thể nghe điều này hơi điên rồ, nhưng vì không ai khác đủ điên rồ để làm điều đó nên bạn chẳng cần phải cạnh tranh. Có quá ít người dám làm những việc điên rồ như thế này, thậm chí tôi có thể đếm được trên đầu ngón tay. Những người khác đều thích làm việc tập thể và dính với nhau như keo.

Những người giỏi nhất sẽ dám đương đầu với những thách thức lớn nhất. Đây chính là trường hợp của Google.

(Trích phát biểu của Larry Page tại Đại học Michigan năm 2009)




Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Võ Quốc Thắng - CEO Gạch Đồng Tâm Long An

 

Ông từng được bầu là gương mặt doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất ASEAN năm 1999, và từng là đại biểu Quốc hội khoá 11 (nhiệm kỳ)


Xuất thân từ một gia đình lao động có truyền thống làm nghề gạch bông tại khu Phú Định, quận 6 nên ngay từ nhỏ, Thắng đã có ý chí ham học hỏi và lao vào công việc phụ giúp gia đình. Hàng ngày vừa đi học phổ thông vừa phụ giúp gia đình làm gạch, Thắng đã biết nhiều kỹ thuật làm gạch bông, về pha màu, trộn xi măng.

Tuổi thơ của Thắng cũng đã trải qua nhiều thăng trầm, có những lúc cùng gia đình buôn bán lênh đênh trên sông, trên biển, dãi dầm mưa nắng, có những lúc đương đầu với những cực nhọc trong nghề làm gạch bông thô sơ.

Tuy còn trẻ tuổi, nhưng với kinh nghiệm quý giá từ lúc vừa học, vừa làm, cộng với niềm say mê công việc, Thắng đã đi đến mọi “hang cùng, ngõ hẻm” bằng chiếc xe đạp cọc cạch tới những nơi có nhu cầu làm nhà và sử dụng gạch, để tiếp xúc lắng nghe ý kiến và thăm dò thị hiếu của khách hàng. Từ những vất vả đó, ngày nay Thắng đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong sự va chạm với cuộc sống và thương trường.

Tiếp nối nghề gia truyền

Đến năm 1985-1986, với chủ trương đa dạng hóa các thành phần kinh tế của Đảng tại Đại hội 6, Thắng lúc bấy giờ mới 19 tuổi đã đứng ra khôi phục thương hiệu gạch Đồng Tâm của gia đình. lúc đàu chỉ là một tổ hợp sản xuất nhỏ với 4 công nhân, trong đó Thắng vừa là chủ vừa là công nhân trực tiếp sản xuất, vừa phụ trách bán hàng.

Từ những định hướng đúng đắn ban đầu, tập trung vào phát triển ngành gạch bông truyền thống và kế tục sự nghiệp của người cha, qua những tháng năm thăng trầm và những khó khăn, cơ sở gạch bông Đồng Tâm của Thắng đã có những bước phát triển ổn định. Ông Võ Quốc Thắng kể lại với vẻ tự hào rằng ngay từ hồi bé sản phẩm gạch bông Đồng Tâm của gia đình ông đã có mặt tại nhiều công trình xây dựng lớn thời bấy giờ mà hôm nay vẫn còn hiện diện như cư xá Thanh Đa, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương...

Gần 40 năm kể từ khi thành lập vào năm 1969 với sản phẩm ban đầu là gạch bông truyền thống, Đồng Tâm đã trở thành một thương hiệu uy tín hàng đầu trong ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành sản xuất gạch men nói riêng tại Việt Nam.

Để phát triển doanh nghiệp của mình ông Thắng đã lặn lội đến rất nhiều nước châu Âu để học hỏi cách thức làm gạch của xứ người, cuối cùng ông Thắng đã đến Italia và Tây Ban Nha - là hai nước có nền công nghệ gạch men hiện đại nhất thế giới. Và Đồng Tâm mạnh dạn đầu tư một nhà máy hiện đại tại Long An năm 1994, sau đó, từ năm 1996, Đồng Tâm liên tục mở rộng đầu tư các nhà máy ở cả hai miền Nam Bắc.

Trong chiến lược phát triển dài hạn, Tâp đoàn Đồng Tâm đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, phát triển khu công nghiệp, khu dân cư; xây dựng nhà để kinh doanh với nhiều kế hoạch đầu tư lớn và đầu tư liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước.

Một hệ thống các văn phòng chi nhánh, showroom, trung tâm tư vấn đã được thiết lập, cùng với một mạng lưới hơn 3.000 cửa hàng cộng tác phân phối đã đưa sản phẩm Đồng Tâm đến tận tay người tiêu dùng tại hầu hết 64 tỉnh thành trên phạm vi cả nước. Các chi nhánh và đại lý ở nước ngoài cũng được thiết lập giúp Đồng Tâm không ngừng mở rộng và lớn mạnh trên thị trường xuất khẩu.

Học “tư duy đột phá” của người Nhật

Đầu năm 2007, Võ Quốc Thắng sang Nhật để học nâng cao kỹ năng quản lý doanh nghiệp tại Nhật Bản. Trong thời gian hai tuần lưu trú ở đó, ông có dịp gặp giáo sư-tiến sĩ Shozo Hibino chuyên về quản trị nhân lực và được nghe giáo sư thuyết trình thuyết tư duy đột phá, nghĩa nôm na là nếu dám đột phá, vượt ra khỏi tư duy bình thường và quyết tâm thực hiện bằng được thì chúng ta có thể đạt được những thành công ngoài mong đợi. (đã được các công ty hàng đầu trên thế giới áp dụng thành công như: Toto, Mishubishi, Toyota, Canon, Sri Lanka Telecom...), ông Thắng như bị hớp hồn về nội dung này từ ông thầy người Nhật Bản.

Ít lâu sau, ông Thắng đã mời được GS. Shozo Hibino sang Việt Nam thuyết trình về đề tài trên cho đội ngũ cán bộ quản lý của Đồng Tâm và cho các sở ban, ngành của tỉnh Long An. Tại buổi trao đổi ấy, một vị khách tham dự hỏi: “Làm sao để Long An phát triển theo kịp Tp.HCM?”. Giáo sư trả lời: “Nếu anh nghĩ Long An sẽ không theo kịp Tp.HCM hoặc bằng Tp.HCM thì mãi mãi Long An sẽ không bao giờ phát triển cả”.

Câu trả lời trên của giáo sư Nhật đã gieo trong đầu ông Thắng một ý tưởng là phải thay đổi mô hình quản lý tại Công ty Đồng Tâm lúc bấy giờ đang hoạt động theo quy mô nhỏ, lẻ. Ông thấm thía lời dạy của GS.TS Hibino: “Con người phải có khát vọng, muốn thực hiện được khát vọng phải phấn đấu và theo đuổi bằng được và thực hiện đến cùng”.

Vì vậy ông Thắng đã quyết định thực hiện bước đột phá: thay đổi mô hình quản trị, hợp nhất các công ty lại. Và ông và tập thể ban lãnh đạo khát khao mong muốn rằng đến năm 2010 thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên chức của Đồng Tâm sẽ nằm trong Top 10 doanh nghiệp của ngành sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam.

Với phương châm, chỉ làm những gì mình biết và biết những gì mình làm, Đồng Tâm đã có sự phát triển ổn định đến ngày hôm nay. Am hiểu về ngành nghề sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, am hiểu về thị trường sẽ tiếp cận tốt hơn với khách hàng. Thành công của một doanh nghiệp còn là sự đoàn kết, đồng tâm hiệp lực của tập thể cán bộ công nhân viên, luôn sáng tạo, tìm tòi học hỏi những cái mới trong sản xuất kinh doanh là nhân tố làm nên sự thành công của doanh nghiệp.

Gần đây Đồng Tâm là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam bắt tay với một công ty của Mỹ để phân phối vật liệu xây dựng tại thị trường Mỹ, tuy vốn của công ty liên doanh này không lớn, chỉ 1.500.000 USD nhưng đây là bước khởi đầu cho việc tạo thêm hệ thống phân phối vật liệu xây dựng của Đồng Tâm ở nước ngoài.

Ông Thắng kể lại có một lần khi qua Mỹ, ông ngồi ở một quán góc phố uống cà phê ăn bánh ngọt, tình cờ thấy xe chở pallet gạch Đồng Tâm của mình chạy ngang, ông có cảm xúc sung sướng thật khó tả. Rồi cái cảm giác lâng lâng khi dẫm chân lên nền gạch lót bằng gạch có thương hiệu Đồng Tâm của mình ở những ngôi nhà ngoại ô thành phố Atlanta của nước Mỹ.

Nhưng có vẻ ông Thắng vẫn chưa thoả mãn với những thành công đã đạt được. “Tôi cảm thấy vẫn chưa đạt được những gì mình mong muốn. Không biết tôi có tham vọng quá không nhưng mong muốn lớn nhất của tôi là cố gắng xây dựng Đồng Tâm trở thành thương hiệu của đất nước, nghĩa là khi nói đến Đồng Tâm bạn bè thế giới sẽ biết đó là một thương hiệu của Việt Nam và khi nhắc đến Việt Nam họ sẽ không quên nhắc đến Đồng Tâm”, ông nói.

Theo VnEconomy

I Dreamed A Dream - Susan Boyle

Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai


40 năm trước cậu bé Đoàn Nguyên Đức hàng ngày chăn trâu trên cánh đồng bên cạnh sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định quê hương, ước mơ một ngày nào đó sẽ được cưỡi và tậu cho mình một máy bay riêng. Ước mơ tưởng như viển vông đó nay đã thành hiện thực.

Ở phố núi, chẳng ai gọi ông Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Group) bằng cái tên cúng cơm Đoàn Nguyên Đức, mà là Ba Đức vì cái tên này đã trở nên gần gũi, thân quen với mọi người.


Từ năm 2001 đến nay, cái tên Ba Đức càng nổi như cồn sau những sự kiện làm nên các “ tít” lớn trên hầu hết các báo Việt Nam và cả trên thế giới như: việc ông mua chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak và trả lương đến 15.000 USD một tháng vào năm 2002; hợp tác với CLB bóng đá nổi tiếng của Anh Arsernal để mở Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG vào năm 2007...


Đầu năm 2008 ông còn định mua 20% cổ phần của CLB Arsenal. Và gần đây nhất là ông đã tậu cho mình một chiếc máy bay riêng (Beechcraft King Air 350, trị giá 7,5 triệu USD) như điều mà ông từng mơ ước 40 năm về trước. Điều đặc biệt là ông tậu chiếc máy bay này từ tiền túi cá nhân để phục vụ công việc chung của Tập đoàn.


Bước ngoặt để Đoàn Nguyên Đức trở thành thương gia là khi ông 22 tuổi sau 4 lần thi đại học không thành. Bầu Đức kể lại rằng: “Chính vì thi rớt đại học, tôi lại thành đạt như bây giờ. Tôi có đọc cuốn sách viết về 100 tỷ phú thế giới, thấy có ai học đại học được đâu. Ông trùm máy tính của thế giới là Bill Gates giỏi lắm cũng mới học nửa chừng năm thứ hai của Đại học Harvard rồi bỏ học. Riêng tôi lại rất thích câu nói: “Trường đại học của tôi chính là trường đời”.


Khởi đầu sự nghiệp của ông Đức chỉ là việc trực tiếp điều hành một phân xưởng nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã. Nhưng kể từ năm 1990 đến nay, doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức đã phất lên như diều gặp gió. Ông Đức trở thành chủ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - một tập đoàn tư nhân - hoạt động trong nhiều lĩnh vực, doanh thu kể từ năm 2005 đã vượt quá 1.200 tỷ đồng, các năm sau đều cao hơn năm trước và dự kiến năm nay có thể lên đến 4.000 tỷ đồng


Các sản phẩm của HAGL Group như đồ gỗ nội - ngoại thất cao cấp; đá granit ốp lát tự nhiên mủ cao su... đã có mặt hầu khắp các thị trường châu Á, châu Âu, châu Mỹ, Australia và New Zealand. Các văn phòng đại diện của HAGL cũng được thiết lập tại nhiều nước nhằm tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận, giao dịch với tập đoàn một cách thuận tiện và nhanh chóng nhất.

Hiện nay, HAGL Group còn mở rộng đầu tư sang lĩnh vực kinh doanh địa ốc, như xây dựng các trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê, và đã cho ra đời một loạt khách sạn, khu nghỉ mát 4 sao, 5 sao tại TP HCM, Đà Lạt, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Pleiku...


Tính đến thời điểm 31/1/2008 tổng giá trị tài sản ròng của HAGL Group đã đạt 25.576 tỷ đồng, vượt xa so với con số 11.600 tỷ đồng đầu năm 2007. Ông Đức cho hay sở dĩ đạt được con số trên là do HAGL hiện đang sở hữu 27 dự án bất động sản, trong đó có những dự án đã được đầu tư và mua đất từ năm 2000. Do giá thị trường bất động sản, đặc biệt là căn hộ cao cấp tăng cao nên tổng giá trị tài sản ròng của tập đoàn cũng tăng.


Ngoài ra, HAGL còn đang sở hữu hệ thống khách sạn, các resort, 5 nhà máy sản xuất đồ gỗ và chế tác đá granite, trên 20.000 ha cao su tại Gia Lai, Kon Tum và Lào, nhà máy thủy điện 143 MW; 2 mỏ sắt và một mỏ đồng...

Theo kết quả kiểm toán của Earns & Young, năm 2007 vừa qua HAGL đạt 870 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế vượt chỉ tiêu đề ra 270 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2008 ước đạt 2.500 tỷ đồng.


Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết thêm, trong năm 2008, HAGL Group cam kết sẽ tài trợ cho Lào 100% vốn với giá trị lên đến 19 triệu USD để xây dựng làng vận động viên SEA Games 25, gồm tám khu nhà chức năng với khoảng 42.000 m2 sàn xây dựng, là một khu ở khép kín cho 4.000 vận động viên quốc tế.

Trong tổng vốn 19 triệu USD, 4 triệu USD là tài trợ không hoàn lại, phần còn lại được cho vay thời hạn ba năm không lãi suất. Khoản tiền vay sẽ được Chính phủ Lào hoàn trả bằng gỗ khai thác và các dạng quota khác cho HAGL.

Ngoài ra Chính phủ Lào còn tạo điều kiện cho HAGL thăm dò tiềm năng khai thác khoáng sản ở Nam Lào và cấp cho HAGL 10.000 ha đất trồng cao su, nâng tổng diện tích đất dự án cao su tại tỉnh Attapeu của HAGL lên 15.000 ha, bao gồm cả đất để xây dựng hai nhà máy chế biến mủ cao su với tổng công suất 40.000 tấn một năm.


Theo tính toán trong vòng 5 đến 7 năm tới lợi nhuận của HAGL từ việc đầu tư tại Lào có thể lên đến trên dưới 100 triệu USD một năm nhờ xuất khẩu cao su và các sản phẩm từ cao su và gỗ. Rõ ràng là đồng tiền mà bầu Đức bỏ ra để khuyếch trương thương hiệu và uy tín của Tập đoàn cũng như 15.000 ha trồng cao su trên đất Lào, quả thật là những con gà đẻ trứng vàng.



(Theo VnEconomy)


Đào Hồng Tuyển - Tuần Châu Hạ Long


(VietNamNet) - Không hiểu sao, mỗi khi nghĩ đến ông Đào Hồng Tuyển, tôi lại nhớ đến hai câu thơ của Đồng Đức Bốn: “Bây giờ không thấy thị Mầu, nhưng con mắt ấy còn lâu mới già”. To cao, rắn chắc, mặt vuông chữ điền, nhưng ấn tượng nhất ở ông Tuyển vẫn là đôi mắt. Lần đầu tiên gặp ông vào cuối năm 1998, thời điểm ông đang “sa lầy” vào dự án Tuần Châu, đôi mắt đó như có lửa, nóng bỏng và quyết liệt.
Năm 1998, một năm sau cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ Đông Nam Á, khi bất động sản trên thị trường toàn cầu sụt giá, nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này phá sản hàng loạt. Đó cũng là thời điểm mà ông Tuyển dốc đồng tiền cuối cùng cho dự án Tuần Châu. Không ít người thời đó cho rằng ông là kẻ điên rồ, hoang tưởng. Một kẻ mang ảo mộng dời non lấp biển, cả gan chống trời, huy động hàng chục tỷ đồng xúc đất đá, đổ xuống đại dương mênh mông để làm con đường nối đất liền với đảo Tuần Châu. Không thể hình dung rằng, cuộc đời một con người chưa bao giờ cầm lá bài lại có thể dốc cả sản nghiệp của mình vào một dự án đầy sự may rủi như một con bạc khát nước.

Đổ 80 tỷ đồng xuống biển


Lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ông Tuyển sinh ra trên đất Quảng Yên - Quảng Ninh. Ông hiểu rõ khá tường tận các vùng miền của vùng Đông Bắc giàu tiềm năng này. Trong gần 2.000 hòn đảo của vịnh Hạ Long, Tuần Châu là đảo duy nhất có dân cư sinh sống. Xã đảo Tuần Châu có diện tích hơn 400ha với hơn 1.500 nhân khẩu. Nhân dân xã đảo chủ yếu sống bằng nghề chài lưới với các phương tiện đánh bắt rất thô sơ. Trên đảo không có điện, nước, giao thông với đất liền rất khó khăn. Sự cách trở về địa lý với đất liền là nguyên nhân chính tạo nên cái nghèo của xã đảo. Trong một lần ghé thăm đảo, ông Tuyển đã phát hiện ra tiềm năng có một không hai của Tuần Châu. Đảo có vị trí thuận lợi cả về đường thuỷ và đường bộ, nằm ngay tại trung tâm di sản thiên nhiên thế giới. Ông Tuyển cho rằng: “Người ta có thể xây một Hà Nội sang bên kia sông Hồng, dịch chuyển TP.HCM về phía Nam, còn Hạ Long, là di sản thế giới thì không thể di chuyển được, bởi phải trải qua hàng triệu năm mới có được di sản đó”. Từ lập luận này, ông quyết tâm khắc phục khoảng cách 2km với đất liền.
Chính sách đổi đất lấy cơ sở hạ tầng của Quảng Ninh đã củng cố thêm cho ông Tuyển ý định đầu tư vào dự án Tuần Châu. Để đắp một con đường nối đất liền với đảo, theo dự toán thời đó, tiến hành trong vòng 3 năm và đầu tư một khoản tiền không dưới 80 tỷ đồng. Tám mươi tỷ đồng là một số tiền mà đối với một doanh nghiệp nhà nước thời bấy giờ còn khó huy động, nói chi đến ông chỉ là một doanh nghiệp tư nhân khiêm nhường, mới nổi. Huy động được 80 tỷ đồng mua đất đá, đổ xuống làn nước biển trong xanh ròng rã trong vòng ba năm khác nào việc dã tràng xe cát.
Năm 1997, thị trường bất động sản suy thoái và sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực Đông Nam Á đã làm cho hàng trăm nhà đầu tư nước ngoài lặng lẽ tháo lui khỏi thị trường Việt Nam. Giới đầu tư bất động sản trong nước đang co mình lại chờ thời. Trước những thực tiễn phũ phàng như vậy, ông Tuyển nghĩ: “Cái gì đã rơi xuống đáy rồi sẽ không thể rơi xuống thấp hơn. Sau khi rơi xuống đáy sẽ bắt đầu một chu kỳ mới phát triển với tốc độ cao hơn”. Từ nhận định đó, ông quyết tâm thực hiện dự án.
Trình dự án lên UBND tỉnh Quảng Ninh, ông đạt được thoả thuận: Đầu tư xây dựng con đường hơn 2km nối quốc lộ 18 với Đảo Tuần Châu; đổi lại, ông được quyền sử dụng 98ha đất trên đảo. Con đường vượt biển hai cây số, mặt cắt rộng 25m, với hai làn xe, hành lang cho người đi bộ… Nếu là đường trên đất liền đã là một sự nghiệp đáng kể đối với một doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đằng này lại là con đường “dời non lấp biển” mà có. Trong gần ba năm, hơn 50 chiếc xe tải đã cần mẫn đổ đất đá xuống biển để rồi con đường cứ dài mãi, dài mãi, sau gần 1.000 ngày kiên trì, cùng với hàng triệu mét khối đất đá là hàng chục tỷ đồng chìm ngỉm dưới làn nước biển trong xanh. Đổi lại, con đường đất từ đất liền đã chạm vào đảo.

Ông Tuyển nhớ lại: Năm đầu tiên triển khai dự án là cả một năm thắc thỏm lo âu. Một trận gió mùa, một cơn áp thấp nhiệt đới đều có thể tạo nên những cơn sóng thần nhấn chìm sản nghiệp của ông xuống đại dương mênh mông không sủi tăm. Cuối năm 1998, con đường đã chạm tới đảo, đó cũng là lúc mọi nguồn vốn cạn kiệt, không thể vay mượn được ai, nhà cửa, sản nghiệp đã thế chấp hết để vay vốn ngân hàng. Nhiều thứ bán không có người mua, vì thị trường đã đóng băng. Có cơ sở sản xuất khi mua giá 1.200 cây vàng, nhưng cần tiền người ta trả 600 cây cũng phải bán. Bạn bè xa lánh, mỏi mệt và chán nản tưởng như phải bỏ cuộc dở chừng. Nếu bó tay chỉ có nước là chờ ngân hàng đến xiết nợ rồi vào tù, rồi sẽ được cả nước biết đến như một vụ án… lừa đảo. Thế nhưng chính những lúc đó, nghị lực và bản lĩnh của một doanh nhân như thức tỉnh ông. Động viên anh em cho nợ lương mà vẫn kiên trì triển khai dự án. “Bán non” một số lô đất để lấy ngắn nuôi dài nhằm thực hiện đến cùng con đường vượt biển ra đảo.

Biến Đảo nghèo thành Đảo Ngọc


Tuần Châu đã có đường ra đảo, trở ngại quan trọng nhất đã được khắc phục. Tuy nhiên, làm thế nào để Tuần Châu trở thành một trung tâm du lịch và giải trí có tầm cỡ quốc tế và có khả năng sinh lợi lại là một bài toán không kém phần phức tạp. Từ những khu du lịch nổi tiếng thế giới như Bali (Indonesia), Phukhet, Pataya (Thái Lan), ông Tuyển nghĩ: “Phải làm cho Tuần Châu đẹp hơn, hiện đại hơn, hấp dẫn hơn và nhân văn hơn”. Vừa đi các nơi để học hỏi kinh nghiệm, tham khảo mô hình, ông Tuyển còn tập hợp quanh mình hàng trăm chuyên gia kỹ thuật trong nước ngày đêm phác thảo các đồ án. Vẫn chưa yên tâm, nghe tin đâu có chuyên gia giỏi, ông cho mời về. Hiện ông có 29 kiến trúc sư người nước ngoài tham gia vào đồ án tổng thể Khu du lịch Tuần Châu.
Một trong những dự án đầu tiên mà Công ty Âu Lạc đầu tư là bãi tắm nhân tạo dài 4 km. Thoạt nghe đã thấy ảo tưởng, bởi cát làm bãi tắm phải chở từ Trà Cổ, cách Tuần Châu gần 200km. Hơn một triệu mét khối cát được vận tải bằng đường biển từ Trà Cổ về Tuần Châu, công trình này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2002. Đến đây, du khách có thể vui chơi thoải mái trên bờ biển thoai thoải với lớp cát trắng Trà Cổ nổi tiếng. Cùng với bãi biển nhân tạo là các trò chơi bãi biển và dưới nước như: bóng chuyền, đá bóng, lướt sóng, nhảy dù trên biển, môtô trượt nước tốc độ cao đem lại cho du khách một kỳ nghỉ khoẻ khoắn, thú vị và đầy ấn tượng.
Một thành công khá độc đáo của ông Tuyển ở Tuần Châu là sự ra đời Vườn ẩm thực Việt Nam. Vườn này được xây dựng theo phong cách riêng của văn hoá ẩm thực Việt Nam, với những ngôi nhà bằng gỗ, mô phỏng kiến trúc cung đình thế kỷ 17 và 18. Với lớp lớp toà ngang dãy dọc, thuỷ đình, hồ cá, ẩn mình bên những gốc đào cổ thụ, rặng thông xanh, dòng suối uốn lượn róc rách, các khu ca múa nhạc dân tộc, sân khấu múa rối nước, đàn nước và thác nước. Vườn ẩm thực với tổng diện tích hơn 20.000 m2 bao gồm 14 căn nhà được chia thành các khu Ngọc Châu, Vườn Đào, Thuỷ Đình, Suối Thiên Thai, có thể phục vụ cùng một lúc 3.000 khách.
Cùng với Câu lạc bộ biểu diễn cá heo và sinh vật biển, Tuần Châu cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống khách sạn, biệt thự với hơn 400 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao. Dự kiến, cuối năm nay trên đảo Tuần Châu sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng thêm 500 phòng đạt tiêu chuẩn đón khách quốc tế. Vào ngày 15/4 tới đây, Khu du lịch Tuần Châu sẽ cho khai trương thêm công trình biểu diễn nhạc nước trình diễn bằng laze, chiếu phim trên nước. Trong năm nay, ông dự định sẽ mua thêm ba đôi tàu cao tốc chạy tuyến Hải Nam - Tuần Châu, HongKong - Tuần Châu và Bắc Hải - Tuần Châu. Tuần Châu không còn là xã đảo nghèo mà thực sự là một khu du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Từ một xã đảo nghèo, mặc dù còn nhiều dự án chưa hoàn thành nhưng ngày nay, Tuần Châu đã mang dáng dấp một “Đảo Ngọc” như tên gọi vốn có của đảo này. Hàng trăm hạng mục công trình được đầu tư từ năm 1997, đến nay có công trình đã thu hồi đủ vốn đầu tư.
Biến 'đảo nghèo' thành đảo Ngọc - ông Tuyển đã làm được một điều phi thường. Điều phi thường đó, không phải người bình thường nào cũng làm được.


“Một bãi chông gai và một biển đau thương”


Bây giờ thì ông Tuyển đã được biết đến như một “chúa đảo”, người đang sở hữu 670ha đất trên “đảo ngọc” Tuần Châu nằm trong quần thể vịnh Hạ Long-di sản thế giới. Giới đầu cơ bất động sản đã làm một phép tính: đất Tuần Châu bỏ rẻ cũng được 10 triệu đồng/m2. Một trăm mét vuông, tương đương một tỷ đồng. Một trăm ngàn mét vuông (10ha), tương đương một ngàn tỷ đồng, nếu ông Tuyển chỉ bán đi một nửa số đất đang thuộc quyền sử dụng của ông, nghĩa là khoảng hơn 300 ha, số tiền thu được sẽ là hơn 30.000 tỷ đồng, tương đương với 2 tỷ USD. Đó là chưa kể đến hàng chục ngàn tỷ đồng khác đầu tư vào những công trình đồ sộ như nhà biểu diễn cá heo, rạp xiếc, công trình biểu diễn nhạc nước đều đáng giá hàng trăm tỷ đồng. Không còn nghi ngờ gì nữa, ông là một trong những người giàu nhất Việt Nam.
Tôi hỏi ông: đời doanh nhân, ông đã gặp bao nhiêu trở ngại để có được ngày hôm nay?. “Không thể kể hết, tôi đã vượt qua một bãi chông gai và cả một biển đau thương”, ông Tuyển nói.
... Năm 1969, mới 15 tuổi, Đào Hồng Tuyển đã tham gia đoàn tàu không số đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Đó là thời mà giữa cái sống và cái chết chỉ cách nhau có một sợi tơ mong manh. Ông và những người bạn của mình đã phải “mai táng” nhiều đồng đội trên biển. 25 tuổi, tham gia quân tình nguyện ở Campuchia. Sau khi xuất ngũ, ông đã lăn lộn qua nhiều nghề để lập nghiệp, rồi chuyển sang làm công tác Đoàn, đã từng đảm đương các cương vị: Phó Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm chuyển giao và xuất nhập khẩu công nghệ, Phó chủ tịch Hội phân bón Việt Nam… từng bước tách ra làm ăn rồi thành lập công ty riêng. Sau một thời gian bươn chải trên thương trường và không ít lần nếm mùi thất bại mới được như ngày nay. Hiện nay Tổng công ty Âu Lạc của ông có 7 công ty thành viên với 10.000 lao động.
Để có được dự án Tuần Châu như ngày hôm nay, ngoài dốc hết nguồn lực, huy động vốn từ các nguồn và qua nhiều đêm không ngủ, ông Tuyển còn phải vượt qua hàng trăm cửa ải của hệ thống hành chính mà không có cửa ải nào đơn giản. Ngoài sự quên mình của bản thân, giúp việc ông còn có 20 luật sư làm việc liên tục trong suốt 4 năm. Hiện nay, hồ sơ của các dự án có thể xếp đầy… một gian nhà, thế nhưng vẫn chưa hết điều này tiếng nọ. Mỗi lần công luận có ý kiến lại phải giải trình, lại phải tiếp một số đoàn thanh tra, lại mất nhiều đêm thức trắng.

Tấm thiệp xuân 600 triệu đồng


Một tấm thiệp xuân kích thước 1,6m x 1,2m, bình thường nó chỉ là một bức tranh học trò, chưa tạo được ấn tượng đáng kể nào về nghệ thuật. Tuy nhiên đó là tấm thiệp do thầy trò Trường tiểu học Trần Quốc Toản - Hà Nội làm với thiện chí tặng những người nghèo trong dịp Tết. Ông Tuyển đã mua nó với giá 600 triệu đồng trong đêm hội từ thiện 31/12/2003 trước sự chứng kiến của hàng triệu người xem truyền hình. Sau sự kiện này, có người hỏi ông: Phải chăng, vì hiếu thắng mà ông đã “bị hớ” trong vụ bán đấu giá đó?
Ông trả lời: “Hôm đó tôi không muốn thắng và tôi cũng không quan niệm có thắng thua trong sự kiện này. Nhưng nếu làm được một việc gì đó để khơi dậy phong trào vì người nghèo thì tôi sẵn sàng hết mình. Tôi nghĩ rằng nếu các đầu cầu kia muốn thắng tôi sẽ nhường và cũng vẫn gửi tặng UBMTTQ Việt Nam một số tiền tương đương. Đã từng trải qua một thời kỳ hàn vi, tôi chia sẻ và thông cảm với những khó khăn của người nghèo. Tôi cám ơn hàng trăm em bé của trường Trần Quốc Toản. Các em còn nhỏ mà đã biết suy nghĩ giúp đỡ một bộ phận cộng đồng còn rất nghèo khó'.
Không ai còn nghi ngờ về sự giàu có của ông Tuyển, nhưng ông không muốn nói nhiều về điều đó. Ông cho rằng, điều quan trọng hơn, ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 10.000 công nhân. Cùng với họ là gia đình và những người thân có cơ hội thoát nghèo. Trước khi được khán giả cả nước biết đến qua sự kiện tấm thiệp 600 triệu đồng, ông Tuyển đã đầu tư xây 150 căn nhà cho người nghèo và nhiều hoạt động từ thiện khác. Đó là chưa kể đến hơn một ngàn hộ dân trên đảo Tuần Châu và những vùng lân cận có cơ hội thoát nghèo nhờ những công trình đầu tư của ông. Xin chúc cho ông trẻ mãi không già để làm được nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xoá đói giảm nghèo của đất nước.
Người giàu nhất Việt Nam 2009 Đào Hồng Tuyển: 10000 tỷ đồng?
Cách đây ba năm, đặc phái viên của báo Le Figaro ở Hà Nội đã gửi về bài phóng sự “những nhà tỷ phú đầu tiên của Việt Nam”. Đi kèm với bài báo là tấm ảnh chụp vịnh Hạ Long nơi mà người giàu nhất Việt Nam đã biến đảo Tuần Châu thành khu du lịch vĩ đại, đón tiếp khoảng 5 triệu du khách trong năm 2005. Nhà báo Le Figaro cho rằng lâu đài của ông Tuyển ở Tuần Châu được sao chép rất trung thành từ tòa nhà trắng ở Washington.
Với ông, sự giàu có, nổi tiếng và tai tiếng dường như luôn đồng hành. Chỉ có điều, sóng gió của cuộc đời, sóng gió của thương trường, và cả sóng gió dư luận dường như không thể quật ngã ông.
Không những thế, dường như sau mỗi lần sóng gió, ông lại trỗi dậy một cách mạnh mẽ hơn. Ở ông người ta luôn cảm thấy một nguồn năng lượng không bao giờ cạn.

Cựu chiến binh thành "Chúa đảo Tuần Châu"

Trong giới làm ăn, có thể nói ai cũng biết đến ông Tuyển. Điều đơn giản, ông là người làm được những việc phi thường mà chỉ có những người trong giới mới cảm nhận được sự vĩ đại của ý chí, sự sung mãn của nghị lực và sự rủng rỉnh của tiền bạc.
Chỉ tính riêng với dự án Tuần Châu, ông Tuyển đã cho xây cất hơn 100 cây số đường xá, trong đó có hơn 2 cây số đường nối liền hòn đảo với đất liền, đây có lẽ là con đường vượt biển dài nhất đông nam Á. Ông Tuyển cũng đã cho xây cất nhiều khách sạn rất sang trọng, 200 biệt thự theo kiến trúc thuộc địa Pháp và nhiều khu giải trí. Cùng với đó là bến du thuyền đầu tiên tại Việt Nam, bến phà, golf, khu đô thị...
Tuy nhiên, sự kiện được công chúng cả nước biết đến ông Tuyển là vào ngày 31/12/2003, trong đêm hội từ thiện được truyền hình trực tiếp, trước sự chứng kiến của hàng triệu người xem truyền hình. Ông Tuyển đã mua tấm thiệp xuân với giá 600 triệu đồng để ủng hộ những người nghèo.
Sau sự kiện này, cùng với sự thành công của khu du lịch Tuần Châu, tên tuổi ông không chỉ có giới truyền thông mới biết đến mà cả những đứa trẻ trong những con hẻm đều biết đến ông. Xung quanh ông người ta kể không biết bao nhiêu là huyền thoại.
Chuyện không chỉ thuần túy ở trong nước, mà thậm chí đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia.
Nhà báo này viết: “cách đây 30 năm ông Tuyển là anh hùng của sư đoàn 125 vận chuyển hàng tấn đạn dược từ Bắc vào Nam để làm cho quân đội Mỹ bị ngã quỵ. Nhưng ngày nay là cựu chiến binh nặng 2 tỷ đô la Mỹ, đang háo hức đón chờ vốn của Hoa Kỳ đổ bộ vào Việt Nam… Đối với ông Tuyển, 1000 năm chống Trung Quốc, 100 năm chống Pháp và 20 năm chống Mỹ đó là chuyện quá khứ; còn hôm nay với ông rửa nhục là đất nước ông phải phát triển và giàu có…”
Một đồng nghiệp của tôi đã có một vài lần xuất ngoại cùng ông Tuyển kể lại: Khi xuất trình hộ chiếu qua cửa khẩu, hầu như nhân viên hải quan nào cũng biết đến tên tuổi ông. Ở đời, được “vua biết mặt, chúa biết tên” là điều không dễ. Với ông Tuyển, chuyện được các lãnh đạo cao cấp nhà nước biết đến đã là điều vinh hạnh lắm rồi. Còn chuyện những nhân viên hải quan biết đến khi ông có dịp xuất ngoại thật là không phải ai cũng có vinh dự ấy.

"Chúa đảo" bị cơ quan an ninh cho “nhập kho”?

Vào thời điểm tháng 7 năm 2005, khi ngồi uống cafe trên đường Lý Thường Kiệt, tôi được một đồng nghiệp thông báo: ông Đào Hồng Tuyển sắp bị bắt. Tôi cho rằng, chuyện đó không có cơ sở. Anh bạn đồng nghiệp cho biết: Sau chuyến tháp tùng Thủ tướng đi Mỹ, ông Tuyển đang bị cấm xuất cảnh, vấn đề bị bắt chỉ là thời gian.
Anh cũng cho biết thêm, nguồn tin mà anh nắm được là rất đáng tin cậy, từ “cơ quan điều tra!”. Để thẩm định lại thông tin đó, tôi rút máy di động gọi cho ông. Ông cho biết, vừa đặt chân xuống sân bay Pochenton, đang đi tháp tùng thủ tướng thăm Campuchia. Những gì diễn ra sau đó đã chứng minh tin đồn kia là không có cơ sở.
Tưởng như thế cũng đã là quá lắm rồi, đến thời điểm cuối tháng 10/2006, giới doanh nghiệp ở Hà Nội và TP. HCM lại bàng hoàng trước thông tin: Ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch HĐQT Công ty Âu Lạc, Uỷ viên Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh đoàn tàu không số thuộc lực lượng Hải quân đã bị cơ quan công an đưa vào "tầm ngắm". Việc bắt giữ ông Tuyển chỉ còn là thời điểm nào mà thôi!.
Chưa hết, nguồn tin được tung ra còn có vẻ rất logíc là Công ty Âu Lạc hiện đang vay vốn từ một ngân hàng trong hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp VN khoảng 4.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng một số công trình không có khả năng sinh lời dẫn đến nợ quá hạn mất khả năng cân đối tài chính, nguy cơ phá sản.
Ông Tuyển tham gia nhiều chương trình ủng hộ người nghèo do MTTQ Việt Nam phát động, nhưng không chuyển tiền ở Thủ đô Hà Nội. Nhiều "đại gia" trong bia, rượu, tiệc tùng cũng thao thao cá độ: "Chúa đảo" hiện đã bị cơ quan an ninh cho “nhập kho”...
Để kiểm chứng lại tin này, chúng tôi lại gọi điện thoại, cũng như những lần trước, lần này, ông Tuyển đang có mặt ở Hàn Quốc. Chuyện “nhập kho” như tin đồn hôm đó cũng chỉ là những chuyện tầm phào mà người ta liên tưởng đến một nhân vật bóng gió nào đó trên bộ phim truyền hình nhiều tập.

“Chúa đảo” với “chân dài”

Tin đồn về chuyện nợ nần chưa xong, ông lại dính đến chuyện nhạy cảm khác: quan hệ với một “chân dài” trong đường dây gái gọi cao cấp của Hiền “chèo”. Đây không phải là tin đồn nữa mà là lời khai của một đối tượng trong đường dây gái gọi và cơ quan công an đã đi xác minh...
Khi cơ quan điều ra vào cuộc, lấy thông tin từ các chứng lý sống, được biết những ngày đó ông Đào Hồng Tuyển không có mặt ở Tuần Châu. Ông Tuyển với đoàn khách đó không có bất kỳ mối quan hệ nào. Tất cả hàng chục con người ấy đều trả lời không biết ông Tuyển.
Thế nhưng tai tiếng vẫn cứ đến với ông. Có lẽ đó là cái giá phải trả rất đắt của sự nổi tiếng.

Người giàu nhất Việt Nam

Vào thời điểm hoàng kim nhất của thị trường chứng khoán, với những doanh nghiệp đã được niêm yết trên sàn, cùng với các bản cáo bạch được in công khai, không khó khăn lắm trong việc xác định được ai là người giàu nhất Việt Nam, tất nhiên là trên sàn.
Theo số liệu được cung cấp vào tháng 1/2007, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty FPT được coi là người giàu nhất với tổng tài sản lên tới 2.354 tỷ đồng.
Giới thạo tin cho rằng, với một xã hội hiện còn chưa cởi mở như Việt Nam, đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Những con cá kình về tài sản vẫn còn ẩn hiện đâu đó. Không ít lâu sau, khi thị trường trượt dài cùng với đà suy thoái toàn cầu, tài sản của những người giàu trên thị trường chứng khoán lại liên tục bị bốc hơi. Không chỉ là vài ba chục phần trăm mà thậm chí là hơn hai phần ba. Lý do đơn giản, vào thời hoàng kim, thị trường chứng khoán VN leo đến 1.170 điểm, còn vào thời thảm hại nó chỉ còn 230 điểm.
Chính trong những thời điểm khó khăn đó, tôi đã gặp ông Tuyển ở Hà Nội. Hỏi thăm: dạo này thế nào, công việc ra sao? Ông cho biết: lúc này đây, mới là lúc ai là người làm thật và có tiền thật. Cũng chính tại thời điểm đó Tập đoàn Tuần Châu của ông đã chi ra hàng trăm tỷ đồng để đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án khu du lịch sinh thái Tuần Châu- Hà Tây với diện tích 254 ha với tổng mức đầu tư 5 ngàn tỷ đồng.
Song song với dự án đó, ông Tuyển cũng gấp rút hoàn thành dự án bến du thuyền đầu tiên tại Việt Nam và tuyến phà Tuần Châu – Cát Bà với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Dự án này đã được khánh thành hôm 01/04/2009, nhân Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm đảo Tuần Châu và làng cá Cát Bà (01/4/1959 – 01/4/2009).
Trao đổi với anh Trần Liên, cán bộ của tập đoàn Tuần châu, anh cho biết: Tập đoàn Tuần Châu do ông Đào Hồng Tuyển làm chủ tịch hiện có 14 công ty. Trong đó, Công ty Âu Lạc Quảng Ninh có vốn điều lệ: 700.000.000.000 đồng. Kết quả thẩm định giá của công ty này ngày 26/12/2008 do Công ty định giá và dịch vụ tài chính- Bộ tài chính định giá là: 5.007.290.000.000đồng (Hơn năm nghìn tỷ đồng). Công ty CP T&H Hạ Long (tại đảo Tuần Châu) vốn điều lệ: 500.000.000.000 đồng. Kết quả thẩm định giá của công ty này ngày 19/6/2008 do Công ty định giá và dịch vụ tài chính-Bộ tài chính định giá là: 5.070.000.000.000 đồng (Hơn năm nghìn tỷ).
Cùng với đó là 12 công ty khác, vốn điều lệ đều trên dưới trăm tỷ cả. Tất cả đều đang hoạt động một cách bình thường có hiệu quả, bất chấp những tác động không thuận lợi của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Với các nhà thầu và một vài tổ chức tín dụng thì mấy chục tỷ chỉ là con số lẻ.
Chuyện ông là tỷ phú đô la vào thời điểm này cũng là điều không thể phủ nhận. Để đạt được vị thế đó, cái giá phải trả không hề nhỏ chút nào. Và những ai đã chứng kiến cuộc sống thường nhật của ông đều nhận thấy ở ông vô cùng giản dị, ông vẫn là một người lính với đầy tố chất, và người đời vẫn nói về ông như một nhân vật huyền thoại.

Theo Bee.net.vn

Đặng lê nguyên Vũ - Giấc mơ từ làng quê nghèo


Giấc mơ từ làng quê nghèo
Hồi ức về những ngày tháng khởi nghiệp đầy lận đận và gian khó của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Giám đốc Công ty Cà phê Trung Nguyên. "Tôi có thể nói không sợ quá lời rằng sự xuất hiện của Trung Nguyên đã mang lại một không khí thưởng thức cà phê mới tại Việt Nam, và ở nhiều nơi trên thế giới giờ đây nói đến cà phê Việt Nam là người ta đều biết tới thương hiệu Trung Nguyên.

Tuổi thơ thời đi học của tôi là cảnh lội bộ trên con đường đất đỏ dài 15km trong suốt chín năm, ngày nắng cũng như mưa. Niềm vui trên con đường dài đến trường và về nhà là khi đi ngang qua trạm thuế vụ, thỉnh thoảng có được quả chuối chín hoặc vài củ khoai lang ăn sống của những người buôn bán tốt bụng cho.
Vui nhất là khi có thể quá giang phía sau chiếc xe chở gạch về nhà khi đôi chân đã muốn quị vì lội bộ. Năm tôi vào lớp 10, gia đình mua cho chiếc xe đạp cũ để lên Buôn Ma Thuột đi học.

Năm 1990, tôi thi đậu Đại học Y khoa Tây nguyên; từ xã Madrăk hẻo lánh, mẹ tôi phải bán đi nhiều tạ lúa và nhiều thứ khác trong nhà để tôi lên Buôn Ma Thuột nhập học. Những ngày học ở trường y, lúc nào tôi cũng trăn trở về công việc và cuộc sống của người thầy thuốc. Càng học lên, điều đó càng bứt rứt trong lòng tôi. Muốn có cuộc sống khấm khá hơn, phần nhiều những người học y chúng tôi đã quên lời thề Hippocrate. Xót xa quá! Và với tôi, cách tốt nhất không vi phạm lời thề là... bỏ nó luôn, làm việc khác. Nhưng làm gì đây?
Làm gì ở tuổi 22 tôi chưa biết được. Nhưng luôn thiêu đốt tôi là phải làm được điều gì đó để đổi đời, không thể nghèo mãi được. Mẹ tôi lam lũ quanh năm đầu tắt mặt tối, suốt ngày mặt người lẫn trong ruộng rau lang, chiếc nón cũ hiếm khi rời khỏi đầu. Tôi luôn hình dung lại được cảnh mẹ tôi nặng nhọc bưng từng chồng gạch, hay tất tả chạy ra ruộng rau lang hái đọt non đem bán kiếm miếng ăn cho cả nhà.
Mẹ tôi nghĩ cuộc sống nghèo khổ của gia đình chúng tôi là số mệnh ở trời. Mỗi lần tôi về thăm nhà thì mẹ tôi vừa vui vừa lo. Vui vì có con trai về thăm nhà và lo vì khi tôi rời nhà, bà cụ phải chạy vạy một hai trăm ngàn cho tôi làm lộ phí đến trường. Tôi không bao giờ quên được cái ngày tăm tối đó, khi bố tôi đổ bệnh nặng mà chạy vạy khắp trong dòng tộc không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng cho ông chữa bệnh!
Tôi ở trọ tại Buôn Ma Thuột và làm công luôn cho nhà trọ này: làm cỏ, hái cà phê, đem cơm nước cho nhân công ở rẫy... Ngày còn bé ở làng, tôi đã thạo hết những việc này.

“Đạp tung giường chiếu hẹp”

Tôi luôn nghĩ về những người trồng cà phê, làm vườn lam lũ như bố mẹ tôi. Tôi biết cà phê rất có giá nhưng không biết vì sao người trồng cà phê lại rất nghèo. Nhưng người trồng cà phê vẫn nhẫn nại mỗi ngày cháy da trên nương rẫy, như mẹ tôi, không lời thở than. Tôi không chịu được vậy. Nghĩ tới sự cam chịu là huyết quản tôi sôi sùng sục. Miếng ăn lúc đó đối với tôi không quan trọng bằng suy nghĩ phải sống như thế nào.
Mẹ tôi đã khóc gần như hết nước mắt khi tôi quyết định dứt áo ra đi. Nhiều bạn trong lớp bảo tôi... không bình thường, chỉ có ba người bạn có thể hiểu và chia sẻ được những điều tôi nghĩ – đó là không chấp nhận “ngủ trong giường chiếu hẹp, mơ những giấc mơ con”. Đám bạn vét hết tiền trong túi nhét cho tôi được gần 100.000 đồng.

Tôi ra bến xe đi vào Sài Gòn với một mảnh giấy nhỏ ba tôi ghi tên người chú và địa chỉ nhà ở khu vực Tạ Thu Thâu. 6 giờ sáng, đến bến xe miền Đông, trong túi tôi còn đúng 20.000 đồng. Gọi một ly cà phê vỉa hè 2.000 đồng, tôi ngồi nhâm nhi và mở to mắt nhìn Sài Gòn cho biết. Thành phố to quá, ngoài sự tưởng tượng của tôi. Tôi có cảm giác mình đã bước sang một thế giới hoàn toàn khác...

Quay lại giảng đường Đại học!

Chú tôi người Đà Nẵng, vào sống ở Sài Gòn đã lâu. Tôi chưa từng gặp mặt ông và dĩ nhiên ông cũng không thể biết có một đứa cháu là tôi. Mãi đến trưa chú tôi vẫn chưa về. Mệt, đói và buồn ngủ khủng khiếp. Tôi chỉ còn hơn 10.000 đồng, không thể phung phí được. Sau này, thỉnh thoảng tôi vẫn tìm lại cái góc nhà nơi mình đã ngồi lần đầu tiên khi đặt chân đến Sài Gòn.
May sao quá trưa thì có người bà con từ Đà Nẵng vào. Thím tôi báo vụ việc với người bà con và tôi được gọi vào nhà. Việc đầu tiên là đánh một giấc tới xế chiều. Mở mắt ra đã thấy chú tôi đợi sẵn. Hai chú cháu hàn huyên tâm sự. Tôi bày tỏ nỗi lòng của mình: một, quyết đi không trở lại; hai, việc gì cũng làm; ba, phải đổi đời. Tôi kể với chú những điều tôi nung nấu. Về chuyện nghèo là nhục. Về chuyện ba tôi bệnh mà cả dòng tộc không thể đào đâu ra đủ 2 triệu đồng…

Chú tôi nghe tất cả nhưng rồi “gút”: “Tất cả những điều cháu nung nấu đều đúng nhưng không phải lúc này. Việc lúc này là học cho xong cái đã”. Cuối cùng ông hứa: học cho xong đi rồi xuống Sài Gòn ông giúp cho làm ăn. Còn trước mắt cứ ở chơi, chừng nào chán thì về. Tôi ở đúng 10 ngày thì đầu óc dịu lại, nghĩ đến việc phải về tiếp tục học.
Hôm về, chú mua cho vé máy bay. Lần đầu tiên bay lên bầu trời, tôi đã sớm có mơ ước được bay đi khắp thế giới. Từ trên cao nhìn xuống mới thấy chuyện trần gian khổ nhọc sao mà nhỏ bé, tôi thấy bình tâm hơn trước dù những khao khát vẫn đang sùng sục trong huyết quản. Tôi trở lại giảng đường đại học để bắt đầu con đường riêng.

Lận đận trong khởi nghiệp

Tôi có ba đứa bạn rất thân cùng phòng trọ. Có lẽ là đứa nghèo nhất trong đám nên tôi cũng là người sùng sục trước nhất về chuyện phải làm ra tiền, phải làm giàu. Tôi nghĩ: Tại sao nông dân trồng cà phê vẫn nghèo trong khi trên thế giới có quốc gia không trồng được cây cà phê nào vẫn giàu vì cà phê? Tại sao cà phê mình chỉ để xuất hạt thô mà không chế biến để xuất khẩu? Bốn thằng chúng tôi cùng chia sẻ suy nghĩ này và hùn tiền lại mua một lò rang cà phê.
Thuận lợi của chúng tôi lúc đó là trong trường có đông sinh viên tứ xứ nên qua họ chúng tôi biết được nơi nào có cà phê ngon. Ở Tuy Hòa có một quán cà phê rất ngon nên ngày nghỉ chúng tôi đi xe đến để hỏi dò bí quyết nơi bà chủ quán. Khi chúng tôi trình bày lý do và nguyện vọng của mình, bà chủ quán thật sự cảm thông với mấy thằng sinh viên khố rách áo ôm. Đêm đến, trở về Buôn Ma Thuột trong chuyến xe khuya, chúng tôi có trong tay bí quyết rang xay cà phê ngon của bà chủ quán tốt bụng.
Ngày khai trương lò rang cà phê, chúng tôi cũng tổ chức cúng để lấy hên, nhưng khi vừa cúng xong thì người bà con của ông chủ nhà về đã hất đổ mọi thứ, cắt bỏ hết dây điện. Chúng tôi đành phải chuyển lò rang đi nơi khác. Lò quay bằng tay, đốt bằng củi, hôm nào rang cà phê, bên dưới là mấy thằng ngồi học bài trên cái gác gỗ như bị nướng trong lò bát quái. Có vài vị hàng xóm sợ có ngày chúng tôi sẽ thiêu rụi nhà họ nên đi báo công an. Thế là một lần nữa lò rang của chúng tôi đành phải dẹp.
Nhưng cũng có người giang tay với chúng tôi. Chúng tôi nhận về mỗi lần vài ba ký, rang, xay, đóng gói và chia nhau đi bỏ mối ở các quán. Sau đó thu tiền lại, trả và mượn tiếp vài ký khác. Logo của những bịch cà phê Trung Nguyên lúc đó là một mũi tên chĩa thẳng lên trời. Hình ảnh đơn giản ấy đã chứa trong đó biết bao khát vọng của tôi.
Thế rồi thương hiệu cà phê Trung Nguyên của nhóm “mấy thằng sinh viên khùng khùng” chúng tôi bắt đầu được chú ý và đã có khách uống cà phê ưa chuộng. Chúng tôi biết tuyển những hạt ngon để làm ra những phin cà phê đậm đà, thơm lừng. Năm 1996, chúng tôi quyết định “bung ra”. Khi “hãng” cà phê Trung Nguyên khai trương bảng hiệu ở cây số 3 (thành phố Buôn Ma Thuột) thì dân cư ở đây ai cũng phì cười trước cái “tổng hành dinh” ọp ẹp phát khiếp ấy! Toàn bộ bảng hiệu của “hãng” đều do chúng tôi bò ra tự vẽ, tự sơn phết cả đêm để kịp sáng mai khai trương. Mà khách hàng ngày khai trương không ai khác chính là những người bạn sinh viên học cùng trường, cùng lớp đến uống chung vui với chúng tôi.
Đó là một sự kiện trọng đại trong đời tôi và lịch sử phát triển của thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Ngồi trong cái hãng nhỏ bé đáng tự hào của mình ở phố núi, tôi căng mắt nhìn về hướng Sài Gòn.
Trận đầu trong chuyến “viễn chinh” của chúng tôi đến Tp.HCM thảm bại hoàn toàn. Ngồi trên đống đổ nát mà mình dày công gầy dựng và qua đêm ở công viên với những người bạn, tôi cố gắng để không bị sụp đổ lòng tin và vẫn mãnh liệt nghĩ về ngày mai.
Chúng tôi biết Sài Gòn là mảnh đất đầy tiềm năng để kinh doanh cà phê nhưng hiểu rằng mình chưa đủ sức. Kế hoạch mới của chúng tôi là sẽ mở các điểm kinh doanh ở miền Tây, lấy vùng nông thôn rộng lớn này làm hậu thuẫn cho việc kinh doanh của mình để từ đó làm “bàn đạp bao vây” tiến về Sài Gòn.
Chúng tôi tìm được một đối tác ở Long Xuyên để mở lò rang xay chế biến, phân phối cà phê tại miền Tây. Nhưng chỉ sau một vài tháng, cuộc “hôn phối” vụng về này thất bại hoàn toàn. Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác thất trận ê chề khi lục tục cuốn gói với lỉnh kỉnh những lò cà phê quay tay cũ kỹ, ly tách, phin, muỗng... Sự thất bại này giúp tôi rút ra được một bài học: hợp tác làm ăn phải đồng thuận về tư tưởng, về phương thức kinh doanh, và quan trọng nhất là phải chọn đúng đối tác.
Tôi còn nhớ sau khi dọn hết đồ đạc ở Long Xuyên về Sài Gòn, một người bạn chạy chiếc Honda Dame già cỗi đến đón tôi. Chạy đến công viên Bách Tùng Diệp (ngã ba Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Tự Trọng, Q.1) thì chiếc xe già gãy làm đôi! Tôi không bao giờ quên hình ảnh chúng tôi qua đêm ở công viên. Mỗi lần đi ngang nơi này, tôi vẫn nhớ như in những cảm xúc của sự thất bại ở Long Xuyên và tình bạn ấm áp dưới gốc đa của buổi tối ngày nào.
Thất bại ở Long Xuyên làm chúng tôi cạn kiệt hoàn toàn về vốn liếng, công việc kinh doanh cà phê ở Buôn Ma Thuột cũng gặp nhiều bế tắc, chỉ cầm cự từng ngày. Vốn liếng đâu để tiếp tục duy trì công việc kinh doanh? Lúc đó, chúng tôi có một người bạn thân đã đi làm và dành dụm mua được một chiếc xe Dream. Thời điểm đó chiếc xe là cả một tài sản lớn của anh. Vậy mà chúng tôi dám ngỏ ý mượn xe đem bán làm vốn kinh doanh. Chúng tôi đặt vấn đề: cho mượn thì coi như đã mất và nếu thành công thì chúng tôi trả lại. Người bạn đồng ý.
Bây giờ tôi có thể đủ sức mua cả ngàn chiếc xe Dream nhưng vẫn không có chiếc xe nào quí giá bằng chiếc xe tình bạn của chúng tôi ngày đó. Có tình bạn vô giá đó tôi mới có được ngày hôm nay.

Từ một quán cà phê miễn phí

Tại thời điểm chúng tôi bắt đầu thăm dò thị trường Sài Gòn, mỗi hãng cà phê đều tài trợ cho một quán kha khá khoảng 5 triệu đồng/tháng - quá hớp đối với tài sản chúng tôi đang có chỉ là chiếc xe máy. Chúng tôi đi tìm những điểm bán cà phê nổi tiếng để học hỏi, tìm hiểu bí quyết chế biến rang xay cà phê ngon và được họ “trải lòng” rất đơn giản - bí quyết chỉ có mấy chữ: 10 triệu đồng.
Ngày 20/8/1998 đi vào lịch sử của cà phê Trung Nguyên khi chúng tôi khai trương quán cà phê đầu tiên tại 587 Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận) với hình thức phục vụ uống cà phê miễn phí trong vòng 10 ngày. Và đó là cú đột phá lịch sử với dân khoái uống cà phê Sài Gòn khi lần đầu tiên có một quán cà phê miễn phí. Có một ông khách khoảng 60 tuổi đến uống và nói với tôi: “Tui uống cà phê ở Sài Gòn đến từng này tuổi nhưng đây là lần đầu tiên được uống cà phê không phải trả tiền”.
Quán đông nghịt suốt ngày đêm vì người ta truyền miệng nhau. Chúng tôi và mấy người bạn phục vụ suốt ngày đêm đến nỗi nói không ra tiếng mà trong lòng thì vui không thể tả. Chúng tôi đã định hình Trung Nguyên là quán cà phê mà khách hàng có thể mua hàng, uống cà phê đối chứng bằng cách đưa ra rất nhiều loại cà phê để khách chọn lựa và hướng dẫn cách thưởng thức cà phê “theo kiểu Trung Nguyên”.
Điều khác biệt nhất của Trung Nguyên đối với tất cả các quán cà phê tại thời điểm đó là chúng tôi giúp cho khách hàng thấy được “chất” của cà phê, thấy được sự khác biệt đặc trưng giữa cà phê Robusta và Arabica, giữa Culi Robusta và cà phê Sẻ, cà phê Chồn...
Quán cà phê này vẫn duy trì hoạt động ở địa điểm cũ nhưng chắc ít ai biết chính từ quán cà phê đầu tiên này chúng tôi đã phát triển lên đến con số 500 quán cà phê tại Việt Nam như hiện nay và tiếp tục mở những quán cà phê Trung Nguyên khác tại nước ngoài.

Tặng cà phê cho Thủ tướng!

Khi còn đi vay cà phê để rang, chúng tôi đã dám bỏ tiền ra đăng ký tham gia một hội chợ ở Nha Trang. Bao nhiêu tiền lời chúng tôi làm ăn được đều dồn hết cho cú tiếp thị đầu đời này. Hễ có cơ hội là chúng tôi tìm cách giới thiệu cà phê của mình. Năm 1995, nghe tin Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm và làm việc với tỉnh Đắc Lắc, tôi nghĩ ngay: phải giới thiệu cho được cà phê Trung Nguyên của mình với Thủ tướng.
Nhưng tiếp cận thủ tướng để tặng một bịch cà phê là điều không tưởng. Lần nào mon men tiếp cận cũng bị bật ra. Không bỏ cuộc, tôi chuyển sang… tặng những gói cà phê này cho các anh cảnh vệ, với lời nhắn là “quà của nhóm sinh viên Đại học Tây Nguyên kính tặng Thủ tướng”. Sau này có dịp ngồi tiếp chuyện bác Sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt), tôi nhắc lại kỷ niệm đó và hỏi là bác có nhận được quà không, ông chỉ cười...
Trung Nguyên còn có thể mở rộng diện ra hơn nữa nhưng lúc này chúng tôi sẽ tập trung vào việc kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặc dù nhượng quyền nhưng mục tiêu của Trung Nguyên vẫn là khẳng định tính đồng nhất: mỗi ly cà phê Trung Nguyên dù bạn thưởng thức tại Thành phố Hồ Chí Minh hay ở thị trấn sông nước Năm Căn hoặc trên phố núi Sa Pa đều có chất lượng, hương vị như nhau..."

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Từ cậu bé rửa bát đến ông chủ ngân hàng


Những ai đã mất lòng tin vào BofA đừng đánh giá thấp khả năng của Brian Moynihan trong việc vực dậy ngân hàng này vì ông là người nói được làm được.

Brian Moynihan - Tổng giám đốc BofA
Thật khó để tưởng tượng về Bank of America (BofA), ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, thời hậu khủng hoảng tài chính: Danh tiếng bị sứt mẻ nghiêm trọng, các khoản thua lỗ trong mảng cho vay thế chấp ngày càng phình to. Nguyên nhân cho mọi vấn đề tại BofA xuất phát từ vụ mua lại Countrywide năm 2008. Thâu tóm Countrywide, BofA cũng gánh luôn khoản lỗ thế chấp kinh khủng nhất trong ngành ngân hàng Mỹ. Và thách thức của Brian Moynihan, Tổng giám đốc BofA, cũng nằm ở đó.
Từ năm 2004-2008, Countrywide đã bán 424 tỉ USD giá trị các khoản cho vay thế chấp mua nhà cho các nhà đầu tư cá nhân. Khi bong bóng nhà đất Mỹ xì hơi, BofA trở thành tâm điểm của sự chỉ trích. Các nhà đầu tư cáo buộc Countrywide đã nói không đúng sự thật về chất lượng của các khoản cho vay mà Ngân hàng bán lại cho họ.
Để giải quyết dứt khoát mớ lộn xộn này, cuối tháng 6/2011, Moynihan tuyên bố BofA sẽ trả 8,5 tỉ USD cho 22 nhà đầu tư lớn trong đó có tập đoàn đầu tư BlackRock, Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ). Động thái này đã gây sửng sốt cho Phố Wall vì đây là điều chưa có tiền lệ trong ngành tài chính. Mặc dù cái giá phải trả là khá đắt nhưng Moynihan đã giải quyết rốt ráo đám mây mù che phủ tương lai của Ngân hàng.
Chiến thắng này cho thấy một Moynihan hoàn toàn khác với những gì người ta đã suy nghĩ về ông trong 17 tháng đầu tiên ở cương vị Tổng giám đốc BofA. Thực tế, không ít người đã nghi ngờ năng lực của Moynihan, một phần là vì ông không thích đánh bóng bản thân. Ông là một người kín kẽ, không giỏi ăn nói trước công chúng. Chỉ khi nhìn vào quá trình làm việc của ông mới thấy được ông là một chuyên gia quản lý khủng hoảng, một nhà đàm phán và một người có khả năng xây dựng tinh thần làm việc đội nhóm. Ông chính là người BofA cần vào lúc này để giải quyết mớ bòng bong tại Ngân hàng.
Từ cậu bé rửa bát đến ông chủ ngân hàng
Moynihan là con thứ 6 trong gia đình trung lưu gồm 8 người con tại Marietta, thị trấn ở phía Đông Nam bang Ohio. Thời niên thiếu, ông phụ dọn dẹp, rửa chén bát trong tiệm ăn, đào cống rãnh và làm ca chiều ở một nhà máy sản xuất nam châm. Sau khi tốt nghiệp Đại học Brown năm 1981, ông tiếp tục theo học trường luật danh tiếng nhất nước Mỹ Notre Dame. Năm 1984, Moynihan gia nhập hãng luật Edwards & Angell. Không lâu sau đó, ông bắt đầu xử lý các vụ sáp nhập cho Fleet Financial. Fleet là một ngân hàng nhỏ ở Providence, bang Rhode Island. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Terry Murray của Fleet lại nuôi dưỡng tham vọng rất lớn: Đưa Fleet trở thành một thế lực lớn bằng cách thâu tóm các ngân hàng khác.
Moynihan, khi ấy vẫn là một luật sư, đã tạo được ấn tượng ban đầu sâu sắc nơi Murray trong thương vụ mua lại ngân hàng đã phá sản Bank of New England từ Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) vào năm 1991. Óc sáng tạo và tác phong làm việc của Moynihan đã làm Murray phải kinh ngạc. “Lúc 11g đêm, tôi nói với các nhà điều hành khác phải vẽ phác thảo những thay đổi về lợi nhuận nếu chúng ta trả những mức giá chào mua khác nhau. Lúc đó có Brian ở trong phòng. 8h sáng hôm sau, ông ấy đã có trong tay bản phác thảo, trước khi các nhà điều hành có mặt”, ông nói.
Năm 1993, Murray đã mời Moynihan về làm việc. Murray và Moynihan đã cùng nhau thâu tóm hầu hết các ngân hàng lớn trong khu vực và Moynihan là chuyên gia đàm phán chính của Murray.

Mike Lyons, hiện đứng đầu mảng chiến lược tại BofA và từng làm việc trong nhóm của Moynihan trong 2 năm vào giữa thập niên 1990, cho biết Brian sử dụng một chiến lược chào mua rất thông minh. Ban đầu, ông đưa ra mức giá chào mua thấp hơn 1 chút so với mức giá dự kiến từ người bán, nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn để người bán khó có thể từ chối. Sau đó, ông chờ đến khi tất cả những người mua tiềm năng khác từ bỏ cuộc chơi, chỉ còn mình ông “độc chiến” thì ông lại đưa ra một mức giá thấp hơn ban đầu. Trong tình thế đó, người bán chỉ còn cách đồng ý. Chiến lược này đã phát huy tác dụng trong việc mua lại bộ phận tại Mỹ của ngân hàng Anh NatWest vào cuối năm 1995.
Trong số các thương vụ ông và Murray cùng tiến hành, nổi bật nhất là vụ thâu tóm BankBoston trị giá 16 tỉ USD vào năm 1999. BankBoston là ngân hàng lâu đời (thành lập năm 1784) chiếm lĩnh thị trường tại New England đã nhiều thập kỷ. Một lần nữa, chính Moynihan là người đã xoay chuyển cục diện theo hướng có lợi cho Fleet. Khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Fleet phải bán 280 chi nhánh tại New England. Nhiều tổ chức tài chính lớn đã xếp hàng chờ mua trong đó có Chase và RBS Citizens. Nhưng Murray và Moynihan không muốn các đối thủ này lảng vảng trong địa phận làm ăn của mình. Moynihan đã hiến kế bằng cách dàn xếp bán các chi nhánh của Fleet cho một đối thủ làm ăn yếu kém là Sovereign Bank. Và FleetBoston (sau khi Fleet Financial sáp nhập với BankBoston) đã nhanh chóng giành lại được khách hàng cũ từ tay Sovereign.
Tuy nhiên, FleetBoston đã chính thức ngưng hoạt động vào năm 2004 khi ngân hàng này bị BofA thâu tóm. Moynihan là một trong số ít lãnh đạo cấp cao đã thực hiện việc chuyển giao FleetBoston sang cho BofA. Nhưng Ken Lewis, khi đó là Tổng Giám đốc BofA, dường như không muốn giao cho ông trọng trách lớn. Tuy nhiên, vào cuối năm 2007 khi BofA bị thua lỗ nghiêm trọng trong mảng giao dịch, Lewis đã chỉ định Moynihan là người giải quyết rắc rối này. Moynihan đã khôi phục lại lợi nhuận bằng cách cắt giảm 18% lực lượng lao động, bán đi một chi nhánh làm ăn không hiệu quả, chỉnh đốn lại hoạt động.
Vào tháng 9.2008, BofA mua lại ngân hàng Merrill Lynch và Lewis tuyên bố John Thain, Tổng Giám đốc của Merrill, là người điều hành cả mảng ngân hàng đầu tư và môi giới. Còn Moynihan thì Lewis giao một công việc khác: điều hành bộ phận thẻ tín dụng ở Wilmington, nhưng Moynihan đã từ chối. Đối với Lewis, việc từ chối nhiệm vụ được giao là điều không thể chấp nhận được, nên ông đã quyết định cho Moynihan nghỉ việc. Thế nhưng, các thành viên hội đồng quản trị từ FleetBoston ngày trước yêu cầu Lewis phải giữ Moynihan lại. Lewis, một phần vì lo ngại trước những khoản lỗ lớn tại Merrill, nên đã đồng ý. Lewis đã chỉ định Moynihan vào vị trí cố vấn chung.
Ngày 4/1/2009, khi Merrill Lynch rơi vào rắc rối to, Lewis đã sa thải Thain và đã chỉ định Moynihan dẫn dắt mảng môi giới và ngân hàng đầu tư của BofA. Khi đó, tin xấu và lời chỉ trích liên tục ập đến. Giá cổ phiếu của BofA đã rớt xuống còn 3 USD/cổ phiếu. Các lãnh đạo tại Merrill lo ngại BofA sẽ không thể tiếp tục trả khoản tiền thưởng hậu hĩnh và đó là nguyên nhân cho sự ra đi của nhiều nhân vật chủ chốt tại đây. Nhưng Moynihan đã cam đoan BofA sẽ xây dựng lại được bộ phận ngân hàng đầu tư vững mạnh và trả thưởng hấp dẫn trong năm 2009. Điều này đã củng cố lòng tin của nhân sự cấp cao và sự ra đi đã ít hơn. Và đúng như thế, đến quý II/2009, bộ phận ngân hàng đầu tư mà ông quản lý đã sinh lợi một cách ổn định.
Khi Ken Lewis từ chức, Moynihan đã được chọn vào vị trí lãnh đạo BofA với sự ủng hộ của những thành viên hội đồng quản trị của FleetBoston ngày trước. Và thế là Moynihan đã trở thành Tổng Giám đốc BofA vào đầu năm 2010.
Những chuyển biến mới tại BofA
Trong 17 tháng đầu tiên ở cương vị Tổng giám đốc BofA, Brian Moynihan vẫn chưa xóa bỏ được hình ảnh thảm hại của Ngân hàng trong mắt nhiều nhà đầu tư cũng như lấy lại lòng tin của Phố Wall. Tuy nhiên, trên thực tế, những chuyển biến tích cực đang diễn ra trong lòng BofA.


Moynihan đang thay đổi BofA theo hướng tăng trưởng bền vững chứ không phải tăng trưởng bằng mọi giá. Ông đang nỗ lực để BofA tránh lao vào những mảng giúp Ngân hàng kiếm lợi nhuận lớn trong thời kỳ hoàng kim để rồi mất tất cả khi thị trường đi xuống. BofA vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc cho vay nhưng giảm cho vay ở những lĩnh vực rủi ro cao, đặc biệt là thẻ tín dụng. Moynihan đã giảm cho vay trong lĩnh vực thẻ tín dụng từ 250 tỉ USD xuống còn 170 tỉ USD và con số này đang ngày càng giảm xuống.
Nguyên tắc để tăng trưởng bền vững của ông là trở nên thân thiện hơn với khách hàng bằng cách tạo cho họ cảm giác dễ chịu khi giao dịch với Ngân hàng. Một động thái quan trọng và chưa có tiền lệ là ông quyết định bỏ hẳn việc tính phí chi trội đối với thẻ ghi nợ. Quyết định này đã khiến BofA mất đi 1 tỉ USD doanh thu mỗi năm. Tuy nhiên, nó là một phần trong chiến dịch nuôi dưỡng mối quan hệ lâu dài với khách hàng. “Chúng tôi không thể là ngân hàng lớn nhất Mỹ mà để cho mọi người nghĩ rằng chúng tôi đang lợi dụng họ”, Moynihan nói.
Moynihan cam kết chiến lược này sẽ đưa BofA trở thành một trong những ngân hàng sinh lợi nhiều nhất thế giới. Tháng 3.2011, tại cuộc họp với nhà đầu tư ở khách sạn Plaza (New York), ông tuyên bố sẽ đạt lợi nhuận trước thuế 40 tỉ USD vào giữa thập niên này. Con số đó có nghĩa là BofA phải tạo ra 25 tỉ USD lãi ròng.
Bruce Berkowitz, một nhà đầu tư kỳ cựu ở Mỹ hiện nắm giữ cổ phần trị giá 1,2 tỉ USD trong BofA, đặt cược rằng Moynihan sẽ làm được điều đó. “Moynihan có chiến lược đúng đắn là tránh xa các khoản cho vay tiêu dùng có thể trở thành nợ xấu cho ngân hàng. Tôi tin rằng BofA sẽ tạo ra được lợi nhuận lớn và bền vững”, ông nói.
Niềm tin này cũng có cơ sở. BofA là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ với 2.270 tỉ USD giá trị tài sản tính đến cuối tháng 3/2011. BofA có mảng bán lẻ lớn nhất trong ngành với 410 tỉ USD tiền gửi và 5.800 chi nhánh phủ khắp từ California cho đến Maine. BofA cũng có thế mạnh trong mảng quản lý tài sản cá nhân và chỉ đứng sau JP Morgan Chase trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư xét trên phạm vi toàn cầu. Những bộ phận thế mạnh này sẽ có thể giúp BofA chống đỡ với các khoản lỗ cho vay mua nhà. Từ đầu năm 2008 đến quý I/2011, bộ phận cho vay mua nhà của BofA đã lỗ 46 tỉ USD. Dự kiến lỗ thêm 20,6 tỉ USD trong quý II năm nay chủ yếu do khoản dàn xếp 8,5 tỉ USD đã nói ở trên. Mức lỗ này sẽ khiến BofA lỗ tổng cộng khoảng 2 tỉ USD trong năm 2011. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng BofA sẽ lãi 15 tỉ USD trong năm tới.
Thế nhưng, BofA hiện “ôm” 408 tỉ USD giá trị cho vay thế chấp, chiếm tới 19% tổng giá trị các khoản cho vay mua nhà nắm giữ bởi các ngân hàng Mỹ. Hiện tại, 1,5 triệu khoản cho vay thế chấp này đã quá hạn thanh toán hơn 60 ngày. Để giải quyết hậu quả từ các vụ vỡ nợ, BofA đã thuê thêm 20.000 nhân viên chuyên lo xử lý giấy tờ và phát mãi nhà cửa. Moynihan cam kết sẽ giải quyết phân nửa số khoản vay quá hạn này trong vòng 2 năm. Đây là một mục tiêu tham vọng khác mà Phố Wall đang chờ xem Moynihan sẽ làm như thế nào.

Nguồn NCĐT